SWOT là gì? Phân tích mô hình ma trận SWOT cho doanh nghiệp
24/10/2024
Ngày nay, khi mức độ cạnh tranh trên thị trường tăng cao đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược thực sự hiệu quả. Đó là lý do mà mô hình SWOT được áp dụng ngày càng rộng rãi. Với nó, doanh nghiệp có thể khai thác tối đa sức mạnh nội tại, tận dụng cơ hội từ thị trường đồng thời giảm thiểu rủi ro. Vậy ma trận SWOT là gì? Làm thế nào để triển khai nó? Cùng Growstack tìm hiểu ngay trong bài viết hôm nay nhé!
1. Mô hình SWOT là gì?
Ra đời năm 1964, SWOT là đại diện cho 4 yếu tố: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Đây là ma trận được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phân tích kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Các dữ liệu được thể hiện trong ma trận giúp nhà quản trị đánh giá trực quan về điểm mạnh - yếu của công ty và cơ hội - thách thức từ thị trường.
2. Hiểu thế nào về phân tích SWOT
Phân tích mô hình SWOT (SWOT Analysis) là một quy trình không thể thiếu trong kế hoạch kinh doanh, quản lý. Đây là phương pháp giúp doanh nghiệp hoặc cá nhân đánh giá tổng thể tình hình hiện tại, từ đó xây dựng chiến lược phát triển hiệu quả. Nó sẽ dựa trên bốn yếu tố: Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats).
- Điểm mạnh (Strengths): Bao gồm các yếu tố tạo nên sự vượt trội, khác biệt để doanh nghiệp cạnh tranh với đối thủ. Ví dụ: công nghệ tân tiến, khách hàng trung thành, danh tiếng,...
- Điểm yếu (Weaknesses): Bao gồm các yếu tố khiến các hoạt động chưa được tối ưu. Ví dụ: giá bán cao, thương hiệu chưa được biết đến,...
- Cơ hội (Opportunities): Bao gồm các yếu tố bên ngoài môi trường có thể thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp nếu khai thác hiệu quả. Ví dụ: xu hướng tiêu dùng online, nhu cầu tăng cao,...
- Thách thức (Threats): Bao gồm các yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Giá nguyên vật liệu tăng, dịch bệnh,...
3. Ý nghĩa khi sử dụng mô hình SWOT
3.1 Đánh giá tổng quan
SWOT cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình hiện tại của tổ chức, bao gồm các yếu tố nội bộ (điểm mạnh và điểm yếu) và các yếu tố bên ngoài (cơ hội và rủi ro) có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Từ đó nhà quản trị có thể đưa ra kế hoạch phù hợp.
3.2 Xác định điểm mạnh và điểm yếu
Ma trận này giúp doanh nghiệp nhận ra những điểm mạnh nội tại để tận dụng và những điểm yếu cần cải thiện, từ đó tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động.
3.3 Tận dụng cơ hội và đối phó với rủi ro
Bằng cách phân tích các cơ hội trong môi trường kinh doanh, SWOT hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm hướng phát triển và mở rộng, tận dụng tối đa tiềm năng thị trường.
Mặt khác, mô hình cũng thể hiện những yếu tố gây cản trở sự phát triển. Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định các mối đe dọa tiềm ẩn và lập kế hoạch đối phó, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và duy trì sự ổn định.
3.4 Ra quyết định chính xác
Các thông tin trong SWOT giúp nhà quản trị đánh giá được tổng quan nhất tình hình cả trong và ngoài công ty. Đây là điều kiện tiên quyết để có những quyết định sáng suốt, phù hợp.
3.5 Theo dõi và đánh giá
Không chỉ hỗ trợ trong giai đoạn lập kế hoạch, SWOT còn giúp doanh nghiệp theo dõi tiến trình thực hiện và đánh giá kết quả. Nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra, doanh nghiệp có thể điều chỉnh kịp thời để đạt mục tiêu kinh doanh.
4. Ưu nhược điểm của mô hình SWOT
4.1 Ưu điểm
Không phải tự nhiên mà mô hình SWOT lại rất nổi tiếng, được nhiều doanh nghiệp toàn thế giới áp dụng. Điều này phải kể đến những ưu điểm tuyệt vời từ nó như:
- Tối ưu chi phí: Phân tích ma trận SWOT không yêu cầu nhiều kỹ thuật phức tạp nên bất kỳ nhân viên hoặc bộ phận nào trong doanh nghiệp cũng có thể thực hiện mà không cần tham gia khóa đào tạo chuyên sâu.
- Áp dụng linh hoạt: Như phần trên Growstack có chia sẻ, SWOT có thể được áp dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào, bởi các yếu tố trong ma trận đều xuất hiện ở các khía cạnh.
- Mức độ tổng quan cao: Một trong những điểm mạnh của SWOT là khả năng đánh giá không chỉ các yếu tố nội bộ mà còn các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Điều này giúp nhà quản trị có góc nhìn rộng hơn, đưa ra quyết định chiến lược hiệu quả hơn.
4.2 Nhược điểm
Đương nhiên, không có một ma trận, mô hình nào là hoàn hảo. SWOT cũng tồn tại một số hạn chế như:
- Khá đơn giản: SWOT chỉ tập trung vào việc phân tích bốn yếu tố chính. Điều này khiến mô hình thiếu chiều sâu trong việc xem xét các khía cạnh khác của doanh nghiệp.
- Vẫn còn tính chủ quan: SWOT có thể mang tính chủ quan vì nó thường được thực hiện bởi một cá nhân hoặc một bộ phận trong doanh nghiệp. Sự thiếu đa dạng về góc nhìn dẫn đến kết quả phân tích không toàn diện, khó đáp ứng tốt kỳ vọng của doanh nghiệp.
- Chưa thể hiện được mức độ ưu tiên: Mặc dù SWOT cho phép doanh nghiệp thể hiện các yếu tố khá cụ thể, nhưng bốn yếu tố này thường được coi là ngang hàng. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định yếu tố nào nên được ưu tiên tại từng thời điểm, dẫn đến việc khó xây dựng chiến lược cụ thể và tập trung.
5. Hướng dẫn xây dựng ma trận SWOT cho doanh nghiệp
Bước 1: Xác định mục tiêu phân tích SWOT
Bất kỳ quy trình nào cũng cần đưa ra mục tiêu. Nó càng rõ ràng, khả thi thì việc triển khai càng đi đúng hướng với dự kiến.
Tùy vào bộ phận, giai đoạn mà phân tích mô hình SWOT sẽ phục vụ cho những mục tiêu khác nhau. Ví dụ như để mở rộng thị trường hay xét tính thành công của sản phẩm,...
Bước 2: Thu thập dữ liệu
Các yếu tố nội bộ doanh nghiệp có thể tổng hợp từ dữ liệu khảo sát các bộ phận, văn bản báo cáo. Mặt khác, với các yếu tố bên ngoài môi trường, doanh nghiệp có thể thu thập từ đối tác, khách hàng và cả đối thủ cạnh tranh. Tùy vào mức độ đầu tư mà độ chi tiết và chuẩn xác của dữ liệu giúp ma trận SWOT có giá trị hơn.
Bước 3: Lên danh sách ý tưởng
Điểm mạnh và Điểm yếu
Hai yếu tố này hoàn toàn có thể sử dụng các thông tin có được trong nội bộ doanh nghiệp để tổng hợp và chọn lọc dựa trên việc trả lời các câu hỏi như:
- Doanh nghiệp đang làm tốt ở các khía cạnh nào?
- So với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp đang vượt trội hơn ở điểm nào?
- Lợi ích cốt lõi của sản phẩm (doanh nghiệp) là gì?
- Đặc điểm nào giúp thương hiệu của bạn thu hút khách hàng?
- Nguồn lực doanh nghiệp bạn đang có?
- Điều gì khiến khách hàng không hài lòng về sản phẩm/ dịch vụ của công ty?
- Lý do khách hàng không mua hàng/ không sử dụng dịch vụ?
- Đối thủ đang hơn ở những điểm nào?
- …
Cơ hội và Thách thức
Thông tin về cơ hội và thách thức sẽ khó khăn hơn trong việc thu thập vì tính xác thực và cập nhật. Do vậy, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không tốn quá nhiều chi phí trong việc nghiên cứu, thu thập dữ liệu. Để làm được điều này, doanh nghiệp có thể áp dụng một số dạng câu hỏi sau:
- Khách hàng đang yêu thích điều gì?
- Đâu là kênh truyền thông tiềm năng?
- Xu hướng sắp tới trong lĩnh vực kinh doanh là gì?
- Trên thị trường có những đối thủ cạnh tranh nào?
- Đối thủ đã làm gì? Hiệu quả ra sao?
- Các yếu tố môi trường vĩ mô có thay đổi gì không?
- Khó khăn từ những thay đổi đó là gì?
- …
Bước 4: Chốt kết quả cuối cùng
Nếu như bước 3 đã hoàn thành một ma trận đầy đủ cả 4 yếu tố thì lúc này, doanh nghiệp cần lựa chọn những thông tin quan trọng nhất (đem lại tiềm năng lớn nhất và rủi ro cao nhất). Bạn có thể xếp hạng danh sách những nội dung trong ma trận theo thang điểm từ 1 - 10 để dễ dàng phân loại hơn.
Bước 5: Phát triển chiến lược dựa trên kết quả phân tích
Chiến lược S-O
Loại chiến lược này nhằm khai thác tối đa cơ hội từ thị trường bằng sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Ví dụ, một nhà hàng ven biển được nhiều người yêu thích bởi các đặc sản địa phương và dịch vụ tốt. Họ có thể tận dụng cơ hội về vị trí đẹp cùng với thế mạnh danh tiếng để phát triển thêm các dịch vụ như du lịch.
Chiến lược S-T
Loại chiến lược ST sẽ giúp doanh nghiệp chống lại thách thức bên ngoài bằng sức mạnh nội tại của mình. Ví dụ, sau đại dịch Covid kinh tế suy thoái nghiêm trọng, một công ty tận dụng thế mạnh về công nghệ vượt trội để tối ưu chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để thu hút người dùng vốn rất nhạy cảm về giá.
Chiến lược W-O
Loại chiến lược khai thác cơ hội để loại bỏ điểm yếu của doanh nghiệp. Ví dụ một công ty công nghệ mới gia nhập vào thị trường đang thiếu nhân lực chuyên môn công nghệ. Họ có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng danh tiếng công ty bằng cách mở các khóa đào tạo, coaching cho các doanh nghiệp.
Chiến lược W-T
Loại chiến lược hướng đến việc cải thiện điểm yếu và hạn chế các rủi ro từ thị trường. Thông thường, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy thoái có xu hướng triển khai chiến lược WT.
Ví dụ một công ty thiết bị điện tử đang rơi vào suy thoái do công nghệ lạc hậu. Do đó, họ cần cải tiến hệ thống sản xuất và thiết kế sản phẩm, mở rộng phân khúc để tăng thêm khả năng cạnh tranh.
Kết luận
Như vậy, Growstack vừa cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin về mô hình SWOT. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ma trận vô cùng nổi tiếng này và có thể áp dụng ngay vào hoạt động kinh doanh của mình.
Đừng quên theo Growstack thường xuyên để cập nhật những thông tin kiến thức doanh nghiệp mới nhất nhé.
Growstack là thành viên thứ 2 trong hệ sinh thái công nghệ Marketing của Mosaic, là công ty công nghệ cung cấp giải pháp SaaS hàng đầu giúp các doanh nghiệp quản lý và tối ưu kênh Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) của mình một cách hiệu quả nhằm gia tăng doanh thu và tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp của bạn đang mong muốn triển khai một kênh tiếp thị liên kết cho riêng mình mà chưa biết bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào thì Growstack sẽ giúp bạn làm điều đó. Liên hệ với Growstack để tìm kiếm giải pháp Affiliate Marketing cho sản phẩm của mình.